Sunday, March 6, 2011

Quỳnh Hương & Huyền Thoại

Ðể tặng Quỳnh Hương

Người Hùng Bất Ðắc Dĩ

Tôi không ngờ chiến tích “Sông Bồ” lại trở thành câu chuyện gần như huyền thoại tại cố đô nầy vì không một ai ngờ rằng một sĩ quan Nữ Quân Nhân lại là người góp phần quan trọng cho cuộc hành quân và đem lại thành tích vẻ vang mà ít ai ngờ tới.

Tuy nhiên, câu chuyện Hoa Quỳnh, theo tôi, hoa và người mang tên nó đã có sự liên hệ mật thiết, gần như là một huyền thoại và nó đã đưa sự suy tư cũng như hiểu biết của tôi đến một kết luận khác vì tôi đã thực sự chứng kiến những gì gọi là nhiệm mầu của tạo hóa.

Ông Phán, một nhân sĩ của cố đô và cũng là một cây vợt thân hữu với tôi từ ngày tôi đến Huế. Ông điện thoại mời tôi dùng cơm tối tại nhà ông. Ông nói là tôi sẽ cho anh thấy tận mắt, một sự kiện rất nhiệm mầu của tạo hóa mà từ trước tới nay, anh chưa bao giờ nghĩ tới! Ông ấy cũng không cho biết là sẽ có những ai khác cùng tham dự bữa cơm tối hôm đó. Vì hiếu kỳ, tôi hết sức nôn nóng, mong mau đến ngày giờ hẹn.

Ðúng hẹn, tôi đem theo chai Hennessy và một xâu nem chua để tôi cùng ông Phán nhâm nhi trước khi dùng cơm chiều. Một hộp bánh Biscuit Petit Buerre để làm quà cho bà Phán.

Tuy tôi và ông Phán đã quen biết nhau khá lâu tại sân quần vợt nhưng tôi chưa tới nhà ông ấy lần nào, nên khi bước đến trước cửa chính, tôi tạm để mọi thứ mà tôi đem theo lên lang-cang rồi vói tay gõ cửa. Một người đàn bà đứng tuổi ra mở cửa và mời tôi vào. Tôi chào và cảm ơn bà. Tôi hỏi: Xin lỗi bà! Bà thân thuộc thế nào với ông Phán?

Tôi là vợ của anh Phán đây. Bà đáp. Mời anh vào.Nhà tôi xin lỗi vì đang bận tay một chút. Mời anh ngồi. Anh có thể hút thuốc lá tự nhiên, nếu anh muốn. Trong chốc lát, Nhà tôi sẽ ra tiếp chuyện với anh.

Tôi nhìn quanh căn phòng khách. Ðúng là nhà một công chức cựu trào! Có thể ông Phán từng là một công chức của thời Pháp thuộc và chuyễn qua thời Bảo Ðại. Ðộ mươi phút sau, ông Phán bước ra, với vẻ mặt thật niềm nở, ông tiến tới bắt tay tôi kèm theo những lời, tuy xã giao, nhưng thân tình!

Tôi nói với ông Phán: Trước kia mình là bạn quần vợt, bây giờ chúng ta đã trở thành tri kỷ. Vậy hôm nay tôi phải xin phép chị nhà (tức bà Phán) để hai anh em mình nhậu một bữa cho thỏa thích.

Ông Phán nói: Rất tiếc là tôi không tiên liệu được nên mới thông tin thiếu sót với anh. Bữa cơm tối hôm nay sẽ có thêm hai vợ chồng người anh của nhà tôi từ Sài gòn ra tới đây lúc 5 giờ. Cô Kiều Oanh (KO) đang ra phi trường Phú Bài để đón họ và có lẽ họ cũng sắp về tới.

Tôi chưng hửng vì nghĩ rằng có thêm người lạ trong bữa cơm đầu tiên nầy thì không khí thân hữu sẽ giảm đi vì câu chuyện phải dè dặt từng lời nói, mất vui đi. Tôi tiếp nhận tin nầy làm tôi mất đi một phần hứng thú!Tôi đang suy nghĩ để chuẩn bị một chương trình phòng hờ để cuối bữa cơm, tôi có thể xin phép kiếu từ nếu thấy không khí tẻ nhạt! Bổng tôi nghe tiếng chào mừng vồn vã của bà Phán ở nhà sau. Tôi biết là gia đình của người anh bà vừa đến nhà.

Cô KO. lanh chân lên phòng khách chào tôi và kể công: “Anh biết không, em phải ra sân bay để đón họ về đây đó”.

Tôi đùa: Vậy KO. muốn tôi thưởng công chớ gì? Tôi có đem theo môt thùng nước ngọt đang ướp lạnh trong tủ. Chịu khó lại đó lấy một lon để giải khát rồi hạ hồi phân giải. À mà sao KO biết tôi đang ở đây?

Xe của anh và – cũng là duy nhất ở đây (*) – đang đậu trước nhà kia kìa. KO nhanh miệng đáp. ----------------------------------------------------------------------------------

(*) Xe Jeep A1, phế liệu chiến tranh của Hoa Kỳ bán đấu giá

Anh chị của bà Phán lần lượt vô nhà, còn một người phụ nữ xách hành lý của họ đi theo sau. Vì trời nhá nhem tối nên tôi chưa nhận ra người đó là ai? Ông Phán đón họ vào phòng khách và giới thiệu tôi với hai ông bà họ hàng mới đến. Tôi chào đáp lễ họ. Tới lúc tôi quay lưng lại thì thấy người lúc nãy đó là Quỳnh Hương (Q.H) Tôi không ngờ là hôm nay nàng mặc áo dài nền trắng, hoa tím nhạt và người trông thật mảnh mai nên lúc chập choạng tối tôi không nhận ra. Tôi quay qua trách khéo ông Phán: Sao anh không giới thiệu với tôi vị khách phụ nữ nầy?

Ông Phán biết tôi hỏi đùa nên ông ấy đùa lại: Xin lỗi anh! Ðây là Quỳnh Hương, trưởng nữ của ông bà giáoThông và cũng là Ðại úy NQN Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đang phục vụ tại Bộ Tư Lệnh của Sư Ðoàn X Bộ Binh, ở Dạ Lê.

Bà giáo Thông có vẽ ngạc nhiên, không biết giửa tôi và ông Phán đang đùa, nên bà hỏi: Ủa! Ðại tá cũng ở Sư Ðoàn X mà không biết Q.H sao?

Tôi nói đùa: Thưa bà, Tôi có biết đại úy QH. nhưng chưa có vinh hạnh tiếp kiến người đẹp nầy!

QH. nói: Má biết tại sao ngài đ/t đùa dai như vậy không? Vì hôm nay đi đón ba má, con muốn được thoải mái nên con mặc áo dài. Ông ấy giả vờ hỏi khó vậy thôi. (Vì ngày làm việc không được mặc thường phục) Mấy ông nầy "tếu" lắm, nhiều khi con cũng phát khóc với lối họ trêu.

Khi ngồi đàm đạo với ông giáo Thông - thân phụ của QH.-, không biết do đâu mà tôi tiết lộ là tôi và người em trai út mỗi khi về Sài Gòn thường dùng nhà của anh Hai Linh, 195 Nguyễn Huỳnh Ðức, Phú Nhuận làm điểm hẹn và tạm trú. Chúng tôi lưu lại đó trong thời gian có mặt ở Sài gòn. Ông giáo Thông như vừa gặp cố tri, ông mô tả căn nhà đó rất rành mạch vì ông là láng giềng. (Té ra người con gái của hàng xóm anh hai Linh là cô QH. Anh Linh nói, có lần anh thấy cô ta, lúc còn thiếu úy cũng mang phù hiệu Sư Ðoàn X như tôi. Tôi giả vờ như không biết để anh Linh kể lý lịch và lý do tại sao giờ nầy cô nàng có mặt tại đất Thần Kinh nầy.)

Bữa cơm thân mật bắt đầu. Câu chuyện xã giao đã qua. Bây giờ tới lúc bà giáo Thông, tỏ ra ái ngại làm sao đó cho con gái của bà, nên bà hỏi thăm tôi tới tấp. Tại sao... (hỏi trổng, không danh xưng..) ra đây mà không đem gia đình theo cho đở một cảnh hai quê? Vừa thiếu vắng người thân vừa tốn kém!

Tôi chưa kịp đáp thì QH. chen vào: Mấy ông nầy khôn lắm má ơi! Ở Huế đây có bốn ông đại tá mà chỉ có mỗi ông tỉnh trưởng gốc người Huế, có gia đình ở đây, còn ba ông kia - một Bắc, một Trung và một Nam thì sống "độc thân". Ðất thần kinh nầy được tiếng là tình tứ, đầy thơ mộng, nên có lẽ, họ viện dẫn cả ngàn lẻ một thứ khó khăn, nguy hiểm như vụ Tết Mậu Thân chẳng hạn, để gia đình nản lòng, không đòi đi theo? Má có còn nhớ câu: Chinh nhân trong NỚ ra NI, thấy cô gái Huế, chân đi không đành, không?

Bà giáo Thông mắng yêu con: Con thiệt tình...

Hay! Nay QH. lại có thêm một tài làm thơ nữa ư! Thế mà lâu nay yểm tài há!

Vì các anh không phải là học trò nên tôi nhại hai câu thơ đó cho vui vậy thôi. QH.biện bạch.

Bà giáo Thông ngăn con: Con để ba má nói chuyện với đ/t một chút được không?

QH. tiêu nghiểu vào trong lấy nước uống.

Tôi quay qua bà giáo Thông: Sau hơn ba năm vào quân ngũ, chắc giờ đây bà thấy cô QH. khác ngày xưa rất nhiều chứ gì! Ðời sống quân ngũ nó phức tạp và rất nhiều điều phải học. Nói xin lỗi: là người ngoan đạo, họ có thể thuộc thánh kinh nằm lòng nhưng cuộc sống của một quân nhân, luôn luôn như những trang sách mới, phải đọc và sẽ không bao giờ thuộc hết!

Ðể không khí được vui hơn, tôi đổi đề tài sang ông giáo Thông: Lâu lâu mới về thăm quê hương, nhưng tôi nghĩ là Huế những năm gần gây không có gì thay đổi nhiều, ngoại trừ những tàn phá của chiến tranh! Ra Huế kỳ nầy, ông bà dự định ở lại bao lâu và có đi thăm chơi ở đâu không?

Có lẽ phải bàn lại với QH và em tôi rồi mới quyết định. Ông giáo Thông đáp.

Tôi quay qua QH.: Tôi rất tiếc là tôi không biết ông bà giáo ra Huế! Nếu tôi biết sớm thì ông bà không phải tốn tiền vé máy bay! Ðể dành khoảng tiền đó dùng việc khác!

QH. đã mạn phép đ/t chu toàn mọi việc rồi. Dù đ/t hay QH. làm cũng vậy thôi. QH. đáp. (tức là nhờ Air America).

Bổng ông Phán vui mừng reo lên: Ðiều mong đợi của tôi đã đến rồi! Một thanh niên, xuống xe, bưng vào nhà, một cây trồng trong chậu kiểng, lá to và dày, một nụ màu nâu nhạt,

cong lên như một lưỡi câu, từ một răng cưa và đang trong trạng thái để nở (hàm tiếu). Vì đây là lần đầu tiên được may mắn chiêm ngưỡng hoa Quỳnh nên tôi muốn xem cho tận mắt loại “kỳ hoa dị thảo” nầy. Tôi vội đứng lên và tiến gần lại chậu hoa ngắm nghía hồi lâu và khen rằng: Tạo hóa thật là nhiệm mầu! Tuy vậy cũng nhờ công lao vun phân tưới nước, cắt cành tỉa lá của nghệ nhân cây cảnh nên mới có kết quả tuyệt mỹ như vậy!

Ông Phán thấy tôi chăm chú nhìn ngắm hoa Quỳnh, ông tỏ ra thích thú là đã cho tôi một dịp thấy tận mắt sự nhiệm mầu của tạo hóa như ông đã nói.

Bữa cơm tuy diễn ra trong thân mật nhưng không tránh được những khách sáo, dè dặt của người Huế. Cuối cùng thì ba má QH. muốn chính con gái của mình trình bày sự diễn tiến của cuộc hành quân nhờ đó nàng được thăng cấp đại úy và được tuyên dương mà cả Miền Nam đều biết. Ba nàng hỏi: Do đâu mà con có khả năng làm được chuyện to tát như vậy?

Nàng tuần tự kể: đ/t phát họa, chuẩn bị tất cả rồi giao cho con điều hành, theo dõi. Nhưng có một đoạn, nàng vô ý không giử kẽ, nàng nói: Ông ấy quần thảo con hai ba ngày đêm, biểu sao làm vậy, chớ con có tự ý được đâu! Tinh thần căng thẳng tột độ!

Ðể cho không khí bữa cơm thêm phần vui vẽ, tôi phân bua: Xin ông bà đừng hiểu lầm những gì cô ấy vừa mới nói!

Lúc đó QH. mới nhận ra là bị hố nên mắc cở, chạy lại đấm lên lưng tôi và nói: Ðừng có xuyên tạc, làm sai ý nghĩa câu nói của tôi, nghe chưa!

Tôi phân bua: Ðấy, ông bà giáo thấy chưa! Cô ấy đanh đá như vậy dễ dầu gì mà ai dám quần thảo cô ấy! Mà cô ấy chỉ bắt nạt có riêng tôi mà thôi vì điểm yếu của tôi là phải nhờ cô ấy liên lạc với Mỹ cả ba nơi: trên trời. trên biển và trên đất liền!

Khi bữa cơm gần kết thúc thì thân mẫu của QH. có nói một câu: Tôi nghe đa số Sinh Viên Văn Khoa cũng như những người hiểu biết ở đây đều cho rằng cách trình bày câu chuyện của đ/t. rất thuyết phục và dễ cảm hóa lòng người. Bây giờ đối diện và trực tiếp nói chuyện với đ/t, tôi cho đó là nhận xét khả tín. Tuy nhiên có một điều mà tôi thắc mắc là tại sao đ/t sắp xếp mọi việc từ đầu đến cuối của cuộc hành quân mà khi thành công thì đ/t lại không nhận phần tưởng lạo cho chính mình?

Bà thắc mắc cũng phải. Những phần thưởng mà QH. vừa nhận, nó rất xứng đáng với công lao của cô ấy. Sở dĩ lần nầy tôi để cho QH. thực thi là để nói lên - dù cho Nam hay Nữ - khi lãnh trách nhiệm, hay nói một cách khác thì - cờ tới tay ai, người đó phất - và nhờ sự khéo léo và kiên trì, QH. đã thành công. Chắc ngày nay,sau hơn ba năm thoát ly gia đình, ông bà đã thấy rõ sự trưởng thành, không những về tuổi tác mà ngay cả khả năng của con mình. Ngừng trong giây lát, tôi tiếp: Tôi cũng mong cho cô ấy sớm gặp tình quân để ông bà yên tâm.

Cả hai ông bà đều ngồi trầm ngâm, với những suy tư mông lung!

Tôi không muốn nhìn thấy hoa Quỳnh lúc nó đang dần dần tàn nên viện lý do để cho ông bà giáo đi nghĩ sớm sau một chuyến máy bay dài từ Sài gòn ra Huế. Tôi xin cáo từ mọi người và lại cảm ơn bà Phán đã thết một bữa cơm thật là đặc biệt Huế. Tôi ra xe thì KO và QH cùng đi theo sau. Tôi không biết ý định của họ, nên tôi nói đùa: Thôi! đưa tiển làm chi cho thêm bịn rịn!

Cả hai cô nàng đều nói: Ðừng có tưởng bở! Người ta tính chuyện khác! Ðiều đình để đổi xe. Ðược không?

Tôi nghĩ mấy người nầy ưng nói cái kiểu ởm ờ, không có chủ từ và nhân xưng đại danh từ (tôi, em...,ông, anh....đều thiếu vắng), để ai muốn hiểu sao thì hiểu. À ra thế! Sẵn sàng. Thế là tôi lấy xe quân đội, các cô nàng dùng xe dân sự của tôi để đưa hai vợ chồng ông giáo về tạm trú tại nhà lưu động, nơi tôi dành cho ba má QH. trong thời gian lưu lại tại Huế.

Về đến nhà, như thường lệ, tôi bấm intercon ON rồi đi tắm liền vì mấy tiếng đồng hồ qua, tôi cảm thấy không được thoải mái. Lúc tắm xong, ra phòng làm việc, tôi ngồi nghe Tao Ðàn thì QH gọi qua hỏi: Ðại tá về chưa, nhưng nút Talk của máy bên QH. bị kẹt nên tôi không thể trả lời được, do đó tất cả những mẫu chuyện của ông bà giáo Thông và con gái - dù không muốn, bất đắc dĩ - tôi cũng phải nghe .

Là một bà mẹ mô phạm (dạy học) dĩ nhiên hoài bão của bà là muốn cho con gái của mình xứng đáng là con của một nhà giáo. Bà giáo Thông nói với con gái: Sao má cảm thấy không yên tâm chút nào khi con làm việc ở đây. Xung quanh con toàn là đàn ông, con trai. Chỉ mỗi mình con là con gái! Má thấy con đang làm việc gần gủi với những sĩ quan cao cấp, mà người nào cũng bặt thiệp, niềm nở và rất là từ tốn, nhất là những người không đem gia đình theo.Vậy liệu con có đủ thông minh và tự chủ để ứng phó với mọi thử thách không? (Hai thế hệ mẹ-con, trình độ và hoàn cảnh xã hội phải khác! Thế hệ sau tự do hơn! Việc Nam Nữ thọ thọ bất thân của chế độ phong kiến ngày xưa đã dần dà được dễ dãi hơn!)

Má hỏi khó quá nên con không biết phải trả lời thế nào! Con rời khỏi gia đình đã gần bốn năm nay. Ba má chưa nghe điều gì sái quấy thì ba má hãy cứ tạm yên tâm. Con không muốn để ba má phải lo lắng cho con như lúc còn nhỏ dại nữa. QH. đáp.

Bà giáo hỏi tiếp: Từ trước tới nay, có bao giờ ông đ/t nói hoặc có cử chỉ niềm nở và thân mật với con không?

Ai cũng kính trọng ông ấy, không những là một cấp chỉ huy mà là một bậc thầy. Con cũng như mọi người vậy thôi. Có phải má muốn nói về việc tán tỉnh phải không? Không hề có chuyện đó. Thỉnh thoảng con buồn bâng quơ, ông ấy nói đùa, chọc cho con cười. Vậy thôi!

Má có cảm tưởng là con đã bước qua giới hạn của công vụ! Cử chỉ và cách nói chuyện của con, má cho là nó đã bắt nguồn từ lâu rồi chớ không phải là mới đây đâu! Bà giáo nói.

Ðàn ông như ông ấy rất hiếm! Ông ấy luôn luôn thể hiện quan niêm sống của mình qua phương châm Nhân, Trí, Dũng. Ông là một người thầy, một cấp chỉ huy và một người bạn. Vai nào cũng rất xứng đáng. Vậy nếu con có những lời lẽ hay cử chỉ nào khiến má phải hoài nghi thì đó cũng là thường tình thôi! À mà khuya rồi, má đi tắm, thay đồ để nghĩ cho khỏe. Mẹ con mình còn nhiều thì giờ để tâm sự với nhau mà. QH khuyên mẹ.

Tôi tắt I./C và đi ngủ. Sáng hôm sau, tôi thay đồ thể thao, chạy một vòng sân bay trực thăng rồi vô uống ly nước cam vắt. Thật là đã khát và sản khoái! Ðể cho các bắp thịt và cơ thể nguội từ từ, tôi đi bách bộ quanh sân quần vợt. Sau đó tôi vào tắm và ăn sáng. Lúc đang uống cà phê thì qua I./C nghe tiếng QH hỏi: Thưa ngài đ/t thức chưa? Tôi đáp: Thưa cô, tôi đã thức dậy từ sáng sớm, tập thể dục và vừa vào bàn ăn sáng đây. Có điều chi dạy bảo, xin cô nương cứ tự nhiên!

Tối hôm qua về muộn mà sao thức dậy sớm thế? QH. hỏi ( với giọng xoi mói)

À! mà làm sao QH biết tôi về muộn? Tại cảm thấy nhớ nhà nên tôi ghé qua Thượng Tứ thăm người bạn. Mải mê nói dóc với nhau nên quên về. Lúc nhìn đồng đồ, thấy đã 3 giờ sáng, nên vội vàng đi về gấp để tranh thủ chút thời gian bóng đêm còn lại.

Ðừng có xạo! Ngài làm gì có bạn bên đó. QH. văn lại.

Sao hôm nay cô vô lễ với tôi như vậy? Có muốn bị phạt không? Thôi đừng có hỏi lôi thôi. Chuẩn bị đi họp buổi sáng chứ! Tôi nhắc.

Lúc gặp lại sau khi họp buổi sáng, QH ra gần nơi tôi đang đứng hút thuốc lá, nàng hỏi:

Tối qua ngũ được không?

Thao thức hoài. Ði tắm hai lần mà người vẫn cứ nóng ran! Có lẽ thiếu một thứ gì. Tôi nói đùa.

Thứ đó thì thiếu gì ở “vạn đò!” . QH xoi mói.

Vì không tìm ra nên mới đi lang thang tới 3 giờ sáng! Tôi tiếp tục chọc giận nàng và đánh trống lảng sang chuyện khác.

À, quên nữa! Tối hôm qua, lạ chổ, hai ông bà cụ có ngủ được không?

Hai ông bà nhiều thắc mắc quá! Hỏi đủ thứ! Từ tiện nghi ăn ở đến vấn đề tình cảm. Nhất là má của QH. Bà nói sao mà con ăn ở gì mà sang quá thế nầy! Tiền đâu mà mua sắm! QH nói tránh với dè dặt là nhà của Mỹ giao lại cho Sư Ðoàn, vì chỉ có mỗi mình con là phái nữ nên sư đoàn cấp cho ở. Nói như vậy để bà yên tâm. Nhưng không biết bà quan sát thế nào mà cho rằng QH. đã có những cử chỉ và lời nói vượt qua giới hạn công vụ. Bà hỏi như cật vấn: Vậy có bao giờ ông đ/t .... À mà thôi, chuyện riêng của QH, nói ra không tiện! À lúc nãy, QH. nói ngài nói xạo! Vì QH. biết ngài đi mô sau khi rời nhà cậu Phán!

Làm sao cô biết được tất cả bạn bè của tôi? Tôi nheo mắt nói đùa: Dù cho tôi có đi ngũ đò thì đó là nhu cầu riêng của tôi. Cô đâu có là gì của tôi mà cô cật vấn kỷ vậy? Tôi hỏi.

Thôi ông ơi! Ðừng có chọc tức người ta! nàng nói.

Mắc gì mà tức chuyện người dưng nước lã! Nếu có tức ngực, tức mình, hay bức rức vì .....thì hãy nhảy xuống sông Hương cho mát! Vậy thôi! Tôi chọc tức nàng thêm. À! mà ba má của QH chừng nào về lại Sài gòn?

Dự trù cuối tuần. QH đáp.

Thành Bộ và Quân Ủy cử tôi thay mặt mời hai ông bà cụ và QH. dùng cơm tối trước ngày về lại Sại gòn. Nhờ QH. mời hộ và thuyết phục hai ông bà nhận lời. QH có thể về hỏi ý kiến hai cụ liền bây giờ để tôi trả lời cho thành bộ. Ðược không?

QH. vội vàng đi ngay. Mười lăm phút sau, QH trở lại, nói: Hai ông bà phân vân vì nhiều lẽ nhưng cuối cùng, sợ mích lòng nên họ nhận lời.

Thành bộ đài thọ tất cả chi phí. Họ viện lẽ là tôi ở đây một thân một mình, đơn chiếc, không có ai đảm đang việc tiếp khách nên họ đề cử hai nữ sinh viên của Ðại Học Văn Khoa và cũng là sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc. Cả hai cùng là con nhà khá giả và xinh xắn, nói năng rất lễ độ và bặt thiệp. Ðúng hẹn, cả hai cô đều phục sức theo phụ nữ của cố đô. Một cô đem theo cây đàn tranh còn cô kia đem cây đàn vĩ cầm. Ông bí thư thành bộ đưa họ vào giới thiệu với tôi - Minh Nguyệt (MN) và Thanh Vân (TV) và căn dặn là lúc xong việc thì kêu xe của ông tới đón họ về để giao lại tận gia đình. Nhìn thoáng qua các cô, sao mà họ đẹp và thùy mị đến thế! Chắc là QH phải điên tiếc vì ganh tị!

Ông bí thư thành bộ ra về, tôi nhờ các cô đón tiếp hai vợ chồng ông bà giáo Thông và cô QH., con gái của họ.

Ðể cho bữa cơm thêm phần thú vị, tôi hướng dẫn cho hai nữ sinh viên Văn Khoa thực hiện một vở kịch ngắn để tạo sự bất ngờ cho thực khách và đồng thời để gián tiếp nói cho bà giáo Thông biết là xung quang ông đ/t có rất nhiều cô trẻ, đẹp và học cao hơn con gái của họ. Vậy không có lý do gì để họ phải lo sợ cho con gái của họ bị quyến rũ. (Cô TV giả giọng Nam đóng vai đ/tá phu nhân còn cô MN đóng vai một người quen với gia đình. Cô nầy bị ông đ/tá thách thức cô gọi điện thoại vô Ðà nẵng để "méc" sự lăng nhăng. Xem đoản kịch vui dưới đây)

Ðúng giờ, hai ông bà giáo Thông được QH. hướng dẫn lại nhà lưu động của tôi, cách đó một khoảng không xa. Tôi có nói trước với QH là lúc nào tới thì cứ tự tiện vào nhà, cửa không khóa. Tôi giả vờ quên không nói là có hai nữ sinh viên ở trong nhà.

Khi tới nơi, QH. làm theo lời tôi dặn, đẩy cửa bước vào. Nàng bất ngờ vì sự hiện diện của hai phụ nữ trẻ đẹp đang ở trong phòng khách! QH. lấy làm bất ngờ và bối rối lên tiếng, hỏi: Các cô là ai, làm gì ở đây? Một trong hai cô trả lời: Chúng tôi là sinh viên của Ðại Học Văn Khoa. Vì đ/t đơn chiếc, sợ khách mất vui nên thầy LÐC yêu cầu gia đình cho phép chúng tôi tới đây hôm nay để giúp đ/t làm tiếp viên để đón tiếp hai bác và cô.

Chúa ơi! Sao mà người ta nhiêu khê quá vậy! QH. có vẽ bất bình nhưng cố nén lòng, giả lả xin lỗi rồi mời ba má của nàng cùng bước vào bên trong.

Hai cô tiếp viên làm bổn phận như đã được hướng dẫn. Họ cất áo choàng, mũ của khách vào kho (closet) mời họ ngồi, rồi pha trà mời khách. Xong, các cô lại ngồi gợi chuyện với khách về thăm viếng bạn bè, phong cảnh của cố đô v.v.. Cả gia đình ông giáo tấm tắt khen, sao mà họ tổ chức chu đáo quá vậy!

Ðộ 15 phút sau, tôi về đến nhà. Tôi chào mọi người và quay qua cảm ơn hai cô sinh viên. Họ chào lại tôi: Kính chào thầy. Một cô nói: Thầy LÐC (ông sang Mỹ năm 1996 và định cư tại San José, California.) căn dặn chúng tôi là phải chu toàn việc thầy ấy nhờ. Ðừng để mất điểm bề trên của thầy. Tôi cười và cảm ơn họ.

Tôi đề nghị: Bà giáo, QH và hai nữ sinh viên tiếp viên ngồi đối diện với nhau vì họ dùng nước ngọt. Riêng tôi với ông giáo Thông dùng rượu mạnh.

Cô TV xin phép ra tiếp tay người của nhà hàng để chuẩn bị thức ăn (TV lấy lý do để ra ngoài nhưng sự thật, cô đi qua phòng bên cạnh để chờ điện thoại của MN gọi qua để diễn kịch)

MN giả vờ phàn nàn: Ð/tá mời khách mà không chịu có mặt lúc khách đến để tiếp đón họ. Như vậy là mất điểm quá phải không chị QH? À phải rồi! Phải đi hẹn lại với đào chớ gì! Tôi phải điện thoại để "méc" với bà nhà mới được!

Tôi đẩy cái điện thoại tự động về phía MN với cuốn sổ niên giám và nói: Ðây! có gan thì gọi méc đi! (Tôi cho máy khuyếch đại chạy để mọi người cùng nghe cuộc điện đàm).

MN: Ðâu có ngán! Nàng bốc ống nói lên, bấm số - (không phải gọi về Ðà Nẵng mà gọi qua số máy của TV. Ðầu giây bên kia),

TV lên tiếng (giọng Nam) A-lô, đây tư thất của đ/tá TP. Tui nghe .

MN: Xin lỗi ai ở đầu dây?

TV: Tôi là chủ nhà đây. (ý nói đ/t phu nhân)

MN: Xin chào bà! Tôi là Tường Vi. Chắc là gặp thoáng qua có một lần nên có thể bà không nhận ra giọng của tôi. Sao lâu quá không thấy bà ra Huế để thăm ông? Tội nghiệp! Một thân một mình, quần quật với công việc từ sáng tinh sương tới chiều tối, nhiều khi quên cả ăn. Thế mà không có bà bên cạnh để an ủi thì thật là đáng buồn! Bà có nghĩ vậy không?

TV: Ông ấy sống như vậy lâu rồi cũng quen! Tôi rất muốn cả gia đình ở cùng một nơi, nhưng hoàn cảnh không cho phép cô ạ.

MN. Bà có biết là thành phố Huế rất thơ mộng, rất đẹp và rất quyến rũ "mặc khách tao nhân" chăng?

TV. Biết chớ cô! Nhưng dù cho tôi có ở sát bên cạnh mà ông ấy vẫn cố tình lăng nhăng thì chắc gì tôi có thể kịp thời phát hiện? À mà xin lỗi, cô lập gia đình đã lâu chưa? Sao cô lại lo giùm cho tôi như vậy? Cảm ơn cô nhiều. À mà....hay là cô muốn dò dẫm để......

MN. Thưa bà đừng hiểu lầm! Nếu tôi cố tình thì dại gì tôi liên lạc với bà!

TV: Ðàn ông mà cô! Ra khỏi nhà là y như chim sổ lồng! Làm bộ nghiêm trang với vợ ở nhà bao nhiêu thì khi ra đường nịnh đầm bấy nhiêu! Ðàn bà con gái chúng mình thì nhẹ dạ, dễ tin. Lý trí thì cảnh giác về hậu quả hành động phiêu lưu đang đón chờ, nhưng tiếng gọi của tim lại mạnh hơn nên nó lấn át! Thật là khổ!

MN. Ðiện thoại thăm bà một chút vậy thôi. Mai nầy bà có dịp ra Huế, nhớ tin cho Tường Vi biết nhé. Chào bà! Cúp máy.

QH. tưởng là cuộc điện đàm đó thiệt, nên hỏi: Sao MN bạo quá vậy? Dám điện thoại cho vợ người ta ở xa để chọc như vậy không sợ sao?

MN: Sợ cái nổi gì? Thiệt vàng mình đâu có sợ gì lửa! Hơn nữa bà ta đâu có nhận ra mình là ai đâu.

TV. bước vào giả vờ: MN có chuyện gì mà dáng điệu có vẽ nghiêm trọng vậy?

MN: Ngài đ/t mới thách MN thử xem dám gọi về Ðà Nẵng cho phu nhân của ông ấy hay không? Mình làm liền. Sợ gì!

TV: Thôi đi! Ðừng có đùa dai! Quay sang mời khách.

Cả ông bà giáo lẫn QH. có vẻ thắc mắc về mức độ giao hảo của hai cô nầy với gia đình tôi thế nào mà cách giao tiếp có vẽ thân tình như vậy.

Tuy trong phòng ăn máy điều hòa đang chạy, nhưng tôi có cảm tưởng là không khí đang dần dần nóng. Hai cô MN và TV lúc đến đây, họ mặc đồ ngắn. Mới thay áo dài để tiếp khách. Vì vậy Tôi nói với hai cô: Các cô cứ tự nhiên, nếu cảm thấy với áo dài không được thoải mái thì tự do làm theo ý muốn của mình. Tôi ước mong là tất cả quý khách cũng như chủ đều vui vẻ và thoải mái. Chắc hai ông bà giáo đây cũng dễ dãi với người trẻ, không sao đâu! QH có muốn nhập bọn với họ thì cũng được thôi! Hình như họ có tiên liệu, cả ba cô đều vào phòng tắm, thay áo dài, mặc áo ngắn cả! Bà giáo Thông có vẻ lạ lùng cho lối sống tự do nầy! Tôi rất đổi ngạc nhiên về lối phục sức đơn giản nhưng lại làm tăng vẽ đẹp thùy mị và duyên dáng của mỗi cô! Tôi thốt lên: Ôi Thượng Ðế! Hôm nay Ngài ban cho tôi một diễm phúc để chiêm ngưởng vẽ đẹp, đầy sức quyến rũ của các tiên nga giáng thế!

TV tiến lại bàn giấy lấy cái khuông hình của nhà tôi, cầm lại hỏi tôi: Ai đây?

Tôi đâu có thể nào để hình của ai khác ngoài - bà xã - trên bàn giấy của mình. Hình nầy chụp năm 1960 tại Kon-Tum đó.

Cả ba cô tranh nhau xem. Họ gục gặc đầu, đồng ý với nhau, nói: Cũng như ai chớ bộ!

Hình chụp hơn hai mươi năm trước, có khác gì các cô bây giờ đâu! Phải không? Tôi hỏi.

TV hỏi tôi: Vậy hồi đó ai chài ai vậy?

À! Việc đó thực tình tôi không nhớ! Tôi đáp.

Bữa cơm thân mật sắp bắt đầu.

Cả hai cô sinh viên đứng lên. MN: Thưa ông bà giáo, thưa đại úy QH,

Chúng tôi thay mặt cho Tỉnh và Thị Bộ, hân hạnh đến đây tối hôm nay để nói lên lòng cảm mến của tất cả chúng tôi tại Quân Khu nầy. Các cấp chỉ đạo ở Tỉnh/Thị đã cho chúng tôi biết là Ðại tá Ủy Viên của chúng tôi đây, đơn chiếc nên đề cử chúng tôi đến đây để tiếp quý vị. Tuy nhiên chúng tôi xin mở dấu ngoặc kép - "trên lý thuyết thì ông ấy đơn chiếc nhưng trên thực tế ông ấy có thực sự đơn chiếc hay không thì: Việc ấy xin hỏi lại! Mai.... sẽ hạ hồi phân giải" và...xin đóng dấu ngoặc kép ở đây! Ông bà giáo Thông và QH. cười thỏa thích sau câu nói dí dỏm của Minh Nguyệt! Ông giáo Thông nói: Các cô vui tính quá, pha trò rất là văn khoa có khác!

Còn tôi thì nhíu mày, có ý trách các cô đùa dai như vậy có thể làm cho khách hiểu lầm tôi là một người lăng nhăng! Tôi nói: Tôi mắc đền Minh Nguyệt đó! Nếu có ai dại mồm dại miệng mách cho nhà tôi những lời MN vừa nói, bà ấy ngắt véo tôi chỗ nào, ra sao,thì tôi sẽ bắt đền và làm lại y như vậy với MN à nghen! Nhưng mà tại sao MN lại có ác cảm và xúc phạm một người chăm chỉ hạt bột như tôi như vậy?

Minh Nguyệt cũng khá liếng! Cô đi nhè nhẹ lại đứng sau lưng tôi, nói nho nhỏ sát vào tai tôi: Nói đùa một tí cho vui thôi. Xin đ/tá đừng giận nhé! Nhưng cử chỉ đó của MN đã làm cho QH thêm khó chịu sau khi bị MN nói xa nói gần vừa rồi.

Tôi mời tất cả nâng ly để chung vui với gia đình ông giáo. Tôi nói: Tôi phải thành thật khen hai cô Minh Nguyệt (MN) và Thanh Vân (TV). Với bản tính hồn nhiên và thực tình như vậy thật là rất đáng quý.

Tiếp viên của khách Sạn Hương Giang bắt đầu đem thức ăn lên. Tôi mời tất cả cùng bắt đầu.

Trong bữa cơm, nhiều câu chuyện đó đây được trao đổi rất thú vị. Sinh viên Văn Khoa có khác! Gợi chuyện thật linh động, Hai cô sinh viên thay nhau đưa hai mẹ con bà giáo vào cuộc trao đổi thích thú. Họ cười nói rất tự nhiên. Có lẽ bà giáo thấy mình bị hụt hẫng, tụt hậu quá xa so với bọn trẻ. Bà chỉ cười hùa theo, ít nói. Trong khi tôi với ông giáo nói chuyện liên quan tới những chuyện của đàn ông. Bữa cơm sắp kết thúc thì người hầu bàn đem chậu Quỳnh lên. Hoa đã quá hàm tiếu một chút nhưng mùi thơm bay tỏa khắp phòng. Anh ta để tại bàn sa-lông. Chúng tôi qua đó để uống cà phê và tiếp tục câu chuyên đang dở dang.

QH. hỏi hai cô sinh viên: Lúc nãy MN nói đ/t đây là bề trên của thầy LÐC. Tôi chưa hiểu danh xưng đó. Cô có thể vui lòng nói rõ hơn được không? Một cô đáp: Chúng tôi không biết rõ nhưng theo chổ chúng tôi hiểu thì trong tổ chức của Ðại Việt Cách Mạng, thầy LÐC hay thân phụ của chúng tôi đều rất kính trọng và quý mến đ/t, và đây là lần đầu chúng tôi lãnh trọng trách làm tiếp viên cho quý khách của tỉnh thị bộ mà đ/t tiếp hôm nay.

Hai cô đem đàn ra. MN. nói: Thưa ông bà giáo! Ông bà rời xa quê hương lâu ngày, khi trở lại chắc là ông bà cũng muốn nghe một bài thơ hay một bản nhạc đặc trưng của cố đô. Biết chừng đâu bản nhạc chúng tôi sẽ trình bày cũng là kỷ niệm một thời của ông bà chăng! Hai cô thay nhau đàn và hát bài: "Mưa Trên Phố Huế". Phần nhạc đệm lúc đầu là vĩ cầm và phần sau là đàn tranh, Cả hai cô đều xuất sắc cả đàn lẫn hát.

Tôi khen và hỏi: Liệu mai mốt các cô chọn nghiệp cầm ca hay là chọn việc lập một gia đình bình thường?

Cả hai đều trả lời: Học để giảng dạy, đó là hoài bảo của bọn em.

Tôi hỏi ông giáo Thông: Tôi hỏi câu nầy có hơi tò mò một chút, nếu tôi được phép!

Ông gật đầu. Ðược chớ! Tôi không nghĩ là đ/t sẽ hỏi điều gì khó đâu.

Phải chăng ông bà đã chọn tên cho con mình, lúc mà tình yêu của hai người đã chín mùi và cả hai đều mong muốn rằng: Nếu đạt được kết quả thì con trai sẽ là Quỳnh Như còn con gái là Quỳnh Hương?

Cả ông bà giáo Thông đều ngạc nhiên. Bà nói: Ð/t đoán tài quá vậy!

Thực tình mà nói: Không ai để ý hay tìm hiểu cái chân dung Hoa Quỳnh, kể cả người mang tên nó là QH.

Ông bà giáo Thông không quên nói trước khi ra về: Chúng tôi chưa bao giờ được vinh dự để hưởng cái không khí đầy hạnh phúc như tối hôm nay! Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao lại có chậu Hoa Quỳnh vào cuối bữa cơm?

Ông bà cũng đừng lấy làm lạ là tại sao vào gần cuối bữa cơm hôm nay, người hầu bàn mang chậu Hoa Quỳnh vào. Tôi chỉ muốn giúp ông bà giáo nhớ lại một kỷ niệm ngày xưa của ông bà đó thôi, Dường như trước đây nó là một Huyền Thoại nhưng bây giờ hiển nhiên nó là sự thật, mình trông thấy tận mắt, mình có thể nâng niêu cánh hoa và thưởng thức hương vị ngọt ngào của tạo hóa ban cho!

Hai ông bà Thông có vẽ cảm động lắm. Còn QH. thì xúc động thật sự. Hai cô sinh viên thì ngỡ ngàng! Nhưng tất cả hầu như không một ai hiểu được hậu ý của tôi. Tôi muốn ngầm nhắc cho họ: Cô QH. là một đứa con mà ông bà giáo Thông muốn sinh ra, nuôi cho khôn lớn và học hành đàng hoàng. Nhưng tại sao ông Thông không chấp nhận quan điểm của con gái mình khi cô trình bày một lẽ phải (Tôn giáo nào cũng có một triết lý, từ bi bác ái. Chỉ có người hành đạo đi lạc đường mà thôi!), nhưng điều đó làm cho ông tức giận nên ông tát vào mặt QH. đến văng mất chiếc bông tai rồi đuổi đứa con gái ra khỏi nhà chỉ vì con gái ông không đồng ý với lối lý luận cực đoan của ông, có thể khiến người khác tôn giáo hiểu lầm rồi sinh ra ác ý. Do đó mà QH không còn lựa chọn nào khác hơn là vào quân đội vì nơi đây là một trường học qui mô của mọi trình độ và mọi lớp người.

Ðã đến lúc chia tay. Tôi tiển ông bà Thông qua chổ trọ và chúc họ ngũ ngon. Tôi xin cáo lỗi là sáng hôm sau tôi sẽ không tiển chân ông bà giáo ra sân bay Phú Bài được vì tôi phải đi thăm đơn vị sớm. Chúc ông bà thượng lộ bình an và hẹn khi nào có dịp về Sài gòn, tôi sẽ đến vấn an quý quyến.

Tôi quay lại cảm ơn hai cô MN và TV để cho hai cô lên xe về. Tôi vừa quay lưng thì một cử chỉ thật bất ngờ xảy ra! Mỗi cô nắm một tay của tôi, và một cô hỏi: Thứ bảy nầy đ/t có thể lên Huế chơi không?

Tôi nói: Vì các cô hỏi bất ngờ quá! Tôi chưa thể trả lời cho các cô ngay bây giờ được vì QH là người quản lý chương trình làm việc của chúng tôi. Ðể tôi hỏi cô ấy rồi tôi sẽ trả lời các cô.

TV vụt chạy lại nhà lưu động nơi QH tạm trú, nắm tay QH. lôi cô ta lại chổ tôi và MN đang đứng rồi nói: Chị QH đây nầy. Hỏi ý kiến chị ấy đi!

Tôi lặp lại ý kiến của hai cô vừa nói lúc nảy.

QH cay đắng nói: Họ mời đ/t đi chơi với họ. Tôi đâu có can dự gì mà hỏi ý kiến tôi!

Trước tình trạng bất ổn vì ganh tỵ nầy, tôi đánh trống lảng: Ðể tôi xem lại chương trình làm việc rồi tôi tin lại cho các cô vào chiều mai. Bây giờ các cô lên xe về kẻo khuya quá ở nhà trông. Lúc xe đưa hai cô MN và TV vừa chạy khuất, tôi chào QH và chúc nàng về ngủ ngon thì nàng nói: Ngũ làm sao được mà ngủ!

QH. biết là trưa hôm nay tôi phải trả lời cho MN. nên nàng âm thầm qua văn phòng tôi ngồi chờ điện thoại. Một lúc sau, MN điện thoại vào. QH chụp ống nói thì nghe tiếng MN hỏi: Xin lỗi ai ở đầu dây?

QH biết là MN nên nàng giả giọng miền Nam: Ð/t đi vắng nên tôi trực ở đây để nhận điện thoại. Vậy xin lỗi - cô hay bà - có muốn nhắn điều gì để khi ông ấy về tôi trình lại. Ðầu dây bên kia: Chị làm ơn trình với đ/t là có MN gọi và muốn có trả lời càng sớm càng tốt. Cảm ơn và chào chị. Cúp máy.

Sao QH đóng kịch giỏi quá vậy! Nếu vì lý do nào đó, QH không đồng ý thì trả lời cho cô ấy là trước khi đi, đ/t có dặn là nếu cô có gọi thì nói "rất tiếc vì bận nhiều việc quan trọng nên không tham dự cuộc vui được. Hẹn dịp khác vậy!"

Tôi không được phép nói láo! Còn hẹn dịp nào khác! Vậy dịp đó là chừng nào? Hãy coi chừng! QH nói xong quày quả ra về.

Bực mình vì những chuyện không đâu, chiều nay tôi vác vợt xuống Huế để đánh một vài ván giải khuây. Tôi đang ngồi ở băng đá nói chuyện với bác sĩ Duyệt, thì trên đường đi làm về, Kiều Oanh dừng xe đến chào tôi và hỏi: Anh còn ở lại đây lâu không để KO về thay đồ lại hầu vài set?

Tôi đùa: Có bắt người ta đợi thì nói phức cho rồi còn ỡm ờ! Không đợi tôi nói hết câu, KO đã nổ máy xe và thẳng đường về nhà. Khoảng 15 phút sau KO trở lại với y phục cầu thủ với sac banh, vợt và bình nước cam. Nàng mời tôi uống.

KO xoi mói: Hình đây còn bóng đâu rồi? (Ý nàng nói hình là tôi còn bóng là Quỳnh Hương. Vì khi làm việc thì cả hai chúng tôi luôn luôn bên cạnh nhau.)

Tôi giả vờ: KO hỏi với ẩn ý nên tôi không có câu trả lời. Muốn tìm hiểu điều gì thì cứ nói.

Còn ai trồng khoai đất nầy! KO mỉa mai.

Cô ấy bị bà via (má) quay tơi bời, khiến người khác bị hàm oan!

KO có được phép biết đại khái những gì đã xảy ra hay không?

Tôi không biết rõ lắm. Tuy nhiên căn cứ vào những điều mà thân mẫu của QH. hỏi tôi thì tôi nghĩ rằng bà cho tôi là người đã dụ dỗ con bà và nếu tôi không lầm thì bà đã bắt gặp cử chỉ hay lời nói nào đó của QH đối với tôi, nên bà cho là QH đã vượt qua lằn mức công vụ. Tôi đã thực sự giử được ranh giới của một người đã có gia đình và luôn luôn hòa nhả với bất cứ ai cộng tác với tôi. Còn QH đối với tôi thế nào, đó là quyền tự do cá nhân của cô ấy. Kẻ bàn quang có thể nói nầy hay nói khác. Tôi làm sao bịt miệng của họ được!

Bây giờ anh tính sao? KO hỏi tôi.

Ðể chứng minh là tôi không có một liên hệ tình cảm mật thiết nào với QH, tôi muốn cô ấy được thuyên chuyển về Sài Gòn cho gần cha mẹ, và ở đó, sẽ giúp cho QH cơ hội và môi trường rộng lớn để chọn cho mình một đấng lang quân.

KO nhanh nhẩu hỏi tôi: Chú ruột của KO rất nhiều uy tín tại Bộ Tổng Tham Mưu. Nhiều lắm là một tuần là anh sẽ toại nguyện! Anh nghĩ sao?

Thiệt vậy sao? Tôi hỏi lại.

KO đâu dám nói giỡn với anh! Anh cho đầy đủ Họ, tên, số quân v.v.. của QH. KO gọi liền tối nay cho chú và chiều mai là ông ấy sẽ cho biết kết quả!

Tôi làm theo lời KO, với đề nghị: Nếu được thì cho cô ấy về trường nào đó quanh Sài gòn là tốt rồi!

Tôi ra sân đấu với đ/t Lý nhưng trong bụng cứ nao nao! Mình quyết định một việc liên hệ đến số phận của một người mà không tham khảo ý kiến với đương sự thì thật là bất nhẩn! Nhưng tại sao KO lại tự dưng nhúng tay vào một việc quan trọng như thế nầy? Hết set, tôi lấy khăn lau mồ hôi, nhưng không rõ là tại thời tiết nóng quá hay là cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi vì tôi hồi hộp!

Chiều hôm sau, lúc tôi đang vừa ăn cơm chiều vừa đọc báo Sóng Thần thì KO điện thoại vào tin cho tôi biết: Mọi sự đều diễn tiến như dự liệu. Tối nay sư đoàn sẽ nhận công điện về việc nầy! Chúc ngũ ngon nghen! Gác máy, tôi gọi xuống trung tâm truyền tin chỉ thị: Nếu trong đêm có công điện qua máy Viễn Ấn Tự (télétype) do Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tổng Tham Mưu gởi ra thì đem ngay trong đêm cho tôi một bản sao. Y như rằng, khoảng 5 giờ sáng, thông-tín-viên mang lên cho tôi bản công điện với nội dung:

"Vì nhu cầu huấn luyện tham mưu cho cán bộ NQN để thay thế nam nhân viên tại các bộ tham mưu # Nay BTTM quyết định:1. Thuyên chuyển đ/úy NQN Phạm QH. về Trường Sĩ Quan NQN. 2.Cồng vụ kể từ ngày N+15 (ngày N= ngày ký công điện) 3. Mọi sự lưu giử đều không được chấp thuận 4. Báo cáo thi hành. Hết"

Tôi thực sự bồi hồi cho rằng mình đang mang một cái tội vì làm một việc trái với ý muốn của người trong cuộc nhưng cũng đành phải bấm bụng vì nếu để dây dưa, càng lâu càng khó giải quyết, một khi bị tình cảm chi phối! Tôi cố gắng giử thật bình tỉnh như không hay biết việc gì vừa xảy ra.

Sáng hôm sau, trung tá Trưởng Phòng TQT đem trình tư lệnh Công Ðiện Lệnh Thuyên Chuyển nầy. Ông Tư Lệnh chới với vì ông nghĩ tới sự thiệt thòi cho sư đoàn chứ ông không biết được những gì đàng sau bức công điện đó. Ông mời tôi qua hỏi dò xem ý kiến của tôi thế nào. Tôi nói: Tài nguyên của Quân đội tuy dồi dào thật, nhưng đâu thể nào chúng ta xử dụng như tiền trong túi móc ra, tờ nào cũng có giá trị tương xứng với nó. Tuy nhiên, thuyền đi thì rớ đậu chớ biết sao bây giờ! Ông tư lệnh bốc điện thoại gọi QH lên trình diện ông tại văn phòng. Tôi nói với ông rằng: để một mình T/L nói với QH thì tiện hơn là có mặt tôi. Khi tôi vừa bước ra khỏi cửa thì ông tham mưu trưởng và QH vừa tới. QH chận tôi lại hỏi: Có việc gì hệ trọng mà ông tư lệnh gọi QH với giọng khẩn trương làm QH lo quá! Tôi bảo QH: Chỉ có ông tư lệnh mới đủ thẩm quyền thông báo quyết định của BTTM. Nói xong tôi đi thẳng ra trực thăng để đi thăm các đơn vị.

Lúc trưa, tôi về Câu Lạc Bộ dùng cơm thì QH mang cái cặp đựng công điện Mật xuống trình tôi. Tôi mỡ cặp ra xem, nhưng trong đó chỉ có một tờ giấy với vỏn vẹn mấy chữ: Không đi đâu hết! Que sera sera! Un point final (Có ra sao thì ra! Chấm hết(./.) Tôi biết QH. đang trông chờ phản ứng của tôi thuận lợi cho nàng, nên tôi suy nghĩ nhanh để tìm một thái độ. Tôi hỏi QH dùng cơm trưa chưa thì với một giọng nói thỉu nảo, nàng trả lời: Từ lúc gặp tư lệnh tới bây giờ, nước còn không nuốt được huống chi cơm! Tôi xô ghế đứng lên và nói: Thôi! Chúng ta ra phố kiếm gì ăn và nói chuyện tiếp. Tôi đứng lên nói lời xin lỗi các thực khách cùng bàn (tư lệnh và tham mưu trưởng) đều nhìn về phía tôi một cách ngạc nhiên, nên tôi vẫy tay xin lỗi, rồi cùng QH bước thẳng ra xe đang đậu trước cửa câu lạc bộ. (trường hợp tương tự từng xảy ra khi các đơn vị cần hỏa lực của Hoa Kỳ yểm trợ).

Trên đường lên Huế, tôi hỏi QH: Tại sao về gần cha mẹ và các em, việc làm không đòi hỏi nhiều trách nhiệm và vận dụng tâm trí mà QH không bằng lòng, trong khi những người khác phải tốn một số tiền khá lớn, chưa chắc đã thỏa mãn. À.. hay là QH không muốn về Sài Gòn là vì đã có người yêu ở đây, phải không? Nếu đúng vậy thì QH coi người yêu quý hơn bố mẹ rồi! Không sợ người đời kết tôi bất hiếu sao?

Tôi yêu ai và giải quyết ra sao là quyền của tôi! Không mắc mớ gì tới ai mà xía vô! QH đáp.

Sao QH lại có vẽ cau có và dùng những lời lẽ khiếm nhả (xía vô) với tôi như vậy?

Anh tha lỗi vì trong khi QH đang bực tức vì cho đây là một vụ sắp xếp nào đó.....

Tinh thần của nàng đang hồi căng thẳng nên tôi phải chọc cho nàng cười để nguôi bớt sự tức giận.Tôi buông tay lái xe, giả vờ vuốt ngực (..của tôi) nói: Thôi đi! Ðừng có giận. Bây giờ vào đây (Hương Giang) ăn trưa và nói chuyện tiếp.

Lúc ngồi xuống xong, tôi lấy cái thực đơn đưa cho QH. và nói: Tôi mời nên dành cho khách chọn thức ăn.

Nàng nói ăn trưa nhẹ thôi để về còn làm việc.

Buổi trưa, ngồi nhìn mặt sông vắng lặng, gần như mọi sinh hoạt trên sông đều ngưng hẵn lại! Tôi nói bâng quơ: Ðời sống an nhàn quá cũng chán! Ngày nầy qua ngày khác, cảnh vật mải thế nầy thì có gì thú vị?

Nàng nói: Nhiều khi với một cuộc sống bình dị, người ta chỉ ước ao sao có được an nhàn từng ấy là quý hóa quá rồi! Nhưng rồi, giông bão từ đâu ập đến, xô ngã tất cả những gì mà người ta hằng ấp ủ...!

Triết lý thay! Tuy nhiên, trong một xã hội đầy bon chen, khó lòng chúng ta thực hiện được quan niệm sống đó! Số người có đủ khả năng để thực thi quan niệm sống của mình thì vướng phải hoàn cảnh trái nghịch nên rồi ý chí cũng mòn mỏi theo năm tháng! Bây giờ tôi xin phép được nói lên những gì tôi đang nghĩ: Phải chăng thân mẫu của QH muốn bảo vệ danh giá gia đình và trinh tiết của con gái mình nên bà muốn cho QH rời khỏi sư đoàn nầy càng sớm càng tốt. Từ thâm tâm, bà lo sợ cho con gái của bà bị quyến rũ và di hại tới danh giá gia đình bà. Nếu đúng vậy thì một người con hiếu thảo như QH, phải coi việc rời đại đơn vị nầy là hợp lý và phải thi hành Lệnh Thuyên Chuyển mà thôi. Nói cho cùng, về Sài Gòn, môi trường và cơ hội nhiều hơn, biết đâu QH sẽ may mắn tìm được một đức lang quân xứng đáng!

QH nổi giận vì nàng không ngờ tôi có thái độ xuôi chiều, nên nàng nói: Thôi đi! Ðừng nói

gì nữa hết! Tôi sẽ lên núi theo ....(tôi để ngón tay trỏ lên miệng làm dấu hiệu: Im!)

Tôi không ngờ là phản ứng của QH quyết liệt đến như vậy. Tôi thầm nghĩ là cô bé nầy dám liều lĩnh, hành động tai hại khôn lường, nên tôi khuyên:Việc gì đâu còn có đó!

Ðừng có liều lĩnh mà thiệt thân.

Bữa ăn trưa, dù kêu những thức ăn mình thích nhưng dù hương vị đậm đà của địa phương cũng không làm thay đổi được thái độ của nàng.

Anh thừa biết tại sao thì đừng có hỏi vu vơ để đánh lạc hướng tôi! Nhiều người đã nói thẳng vào mặt tôi rằng: Cô rất khôn ngoan trong công việc, lanh lợi và hoạt bát trong giao tế nhưng lại quá khờ khạo trong tình yêu. Tôi biết rõ điều đó. Từ lâu, tôi đã đi qua một chặng đường một chiều, tuy nhiên, từ nay, tôi sẽ không bao giờ đầu hàng cho dù phải trả bất cứ giá nào!

Hai tuần lễ trôi qua. Chiến sự bùng nổ với cường độ một ngày một khốc liệt. Tôi phải di tản thân nhân và cũng mượn cớ má QH hấp hối để cho QH về SàiGòn. Như vậy tôi hoàn toàn rảnh tay, dễ xoay trở.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn thắc mắc là tại sao KO lại tiếp tay với tôi để trục xuất QH khỏi Huế? Phải chăng QH là chướng ngại đối với nàng? Trên thực tế hai người là bạn cơ mà! Ðàn bà! Bạn đó rồi thù đó. Thật là khó hiểu!

Mạnh Xuân Kỷ Mão

3-1999


Tái duyệt ngày 06 tháng 3 năm 2011
Trang Thanh Phong